Tin tức
Năm 2014 bẽ bàng của mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ
Kết thúc năm 2014, một ủy ban độc lập cho rằng Nhà Trắng cần một tân giám đốc chấn chỉnh cơ quan mật vụ sau những bê bối nghiêm trọng và một dãy hàng rào mới để ngăn chặn xâm nhập.
Đội mật vụ bảo vệ Tổng thống Obama gặp nhiều bê bối trong năm 2014.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, Cơ quan Mật vụ đã để xảy ra nhiều bê bối chấn động, như việc để một cặp đôi không mời lọt vào Nhà Trắng dự tiệc (tháng 11/2009), mật vụ đưa gái mại dâm về khách sạn nơi sẽ tiếp đón tổng thống (tháng 4/2012), hoặc một người đàn ông nã đạn vào Nhà Trắng (tháng 11/2011). Tuy nhiên, những sai lầm của mật vụ xảy ra với tần suất đáng kể trong năm 2014 khiến nữ giám đốc cơ quan này, bà Julia Pierson, phải từ chức.
Những bê bối của mật vụ Mỹ trong năm 2014
Một trong những sai phạm gây xấu hổ của mật vụ Mỹ đầu năm 2014 là vụ 3 nhân viên say xỉn trong khi làm nhiệm vụ ngày 26/3/2014. Khi đó, Tổng thống Obama tới Hà Lan để tham dự một cuộc họp thượng đỉnh châu Âu. Tuy nhiên, ba nhân viên trong nhóm tiền trạm tại khách sạn mà ông Obama sẽ nghỉ lại đã uống rượu nhiều đến mức say xỉn, thậm chí bất tỉnh trong hành làng khách sạn. Đại diện khách sạn đã báo cáo với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Lan về sự việc này. Người phát ngôn Cơ quan Mật vụ, Ed Dovovan, sau đó xác nhận ba nhân viên ngay lập tức bị đình chỉ nhiệm vụ và buộc phải trở về nước "vì lý do vi phạm kỷ luật".
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của sự cố trên vẫn chưa đáng kể so với những bê bố xảy ra trong tháng 9/2014. Chấn động nhất là sự việc xảy ra ở Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) vào ngày 16/9, khi Tổng thống Obama đi cùng thang máy với một người đàn ông mang súng mà đội an ninh không hề hay biết. Chỉ đến khi mật vụ buộc phải can thiệp vì ông cầm điện thoại chụp ảnh Tổng thống, họ mới phát hiện ông có súng. Theo nguồn tin của Washington Post, người đàn ông là một nhân viên an ninh hợp đồng tại CDC được giao nhiệm vụ tháp tùng Tổng thống Obama, nhưng việc ông cầm theo vũ khí đã vi phạm các nguyên tắc an toàn trong bảo vệ của mật vụ. Ông bị sa thải ngay hôm sau.
Sau đó 3 ngày, Omar Gonzalez, 42 tuổi, một cựu binh chiến trường Iraq mang theo dao và trèo qua hàng rào, tiến sâu vào Nhà Trắng ngày 19/9. Vụ việc xảy ra ngay sau khi Tổng thống Obama cùng hai con gái rời Nhà Trắng tới trại David. Gonzalez thậm chí đã xâm nhập tới Phòng Đông, vốn là nơi dùng để để đón khách và tổ chức các sự kiện lớn, trước khi bị một nhân viên mật vụ khống chế.
Cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Iraq, Omar Gonzalez, là kẻ đột nhập hiếm hoi có thể tiến sâu vào bên trong Nhà Trắng
Nhà điều tra đã tìm thấy hơn 800 viên đạn, hai chiếc rìu và một con dao trong xe hơi của Gonzalez. Trước đó, Gonzalex từng có những dấu hiệu nghi vấn, như bị chặn lại khi đi bộ gần Nhà Trắng mà mang theo rìu giắt ở thắt lưng ngày 25/8. Ông cũng từng bị bắt vào tháng 7 vì khi mang theo súng ngắn và bản đồ thủ đô đánh dấu vị trí Nhà Trắng.
Sự việc ngày 19/9 được cho là một trong những vụ Nhà Trắng bị xâm nhập nghiêm trọng nhất khiến bà Julia Pierson, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ, thậm chí phải từ chức sau khi đối mặt với hàng loạt chỉ trích gay gắt từ các nghị sĩ. Ông Joseph Clancy, một cựu đặc vụ từng phụ trách đội Tổng thống, trở thành giám đốc tạm thời.
Nhà Trắng cần một hàng rào mới
Đó là một trong những khuyến nghị của một ủy ban chuyên gia độc lập về nâng cao an ninh bảo vệ Nhà Trắng và cải cách hoạt động của Cơ quan Mật vụ Mỹ, CNN cho biết ngày 19/12.
Mật vụ Mỹ canh gác trong khi một người thợ đang sửa lại hàng rào ở Nhà Trắng
Ủy ban đề nghị Nhà Trắng xây hàng rào an ninh mới càng sớm càng tốt. Chiều cao của hàng rào hiện tại là 7,5 feet (2,28 mét), nên ủy ban đề nghị xây cao thêm 4 đến 5 feet (1,2 đến 1,5 mét), đỉnh hàng rào uốn cong và hướng ra bên ngoài. Hàng rào mới cũng không cần những thanh chắn ngang, vốn là điểm tựa để những người muốn đột nhập có thể trèo vào. "Ủy ban tin rằng điều chỉnh này sẽ không làm suy giảm những đặc điểm mỹ thuật hay lịch sử của Nhà Trắng".
Ủy ban đề xuất tăng thời gian tập huấn của đội mật vụ bảo vệ không chỉ Tổng thống Mỹ mà còn các yếu nhân khác của chính phủ. Trong năm 2013, thời gian tập huấn trung bình của một nhân viên trong nhóm bảo vệ Tổng thống Obama chỉ có 42 tiếng, còn sĩ quan thuộc lực lượng thường phục chỉ trải qua 25 phút tập huấn.
Điều quan trọng nhất, theo ủy ban, là giám đốc Cơ quan Mật vụ "nên là một người không xuất thân từ lực lượng này, không có những mối liên hệ với tổ chức" để có thể mạnh dạn tiến hành cải tổ toàn diện. Các thành viên trong ủy ban đã lấy ý kiến 50 người trong Cơ quan Mật vụ và 120 quan chức khác. "Từ đặc vụ, đến sĩ quan và cả người giám sát đều bày tỏ nguyện vọng chung là một sự lãnh đạo mới" so với cơ chế trì trệ, bảo thủ và hạn hẹp hiện nay.
Nguồn Zing News